Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Trái đất đang âm thầm cứu môi trường

 Trong suốt hàng trăm năm qua địa cầu đã hấp thụ hơn một nửa lượng khí CO2 mà con người thải ra và hiện tượng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Rừng và các đại dương là nơi “nuốt” khí CO2 trong khí quyển. Daily Mail cho biết, trong vài thập kỷ qua nhiều nhà khoa học nghĩ rằng khả năng hấp thụ CO2 của trái đất sẽ giảm dần do diện tích rừng ngày càng thu hẹp và các đại dương bị axit hóa. Tình trạng đó dẫn đến hiện tượng tích tụ khí thải trong không khí khiến nhiệt độ tăng rất nhanh. Nhưng trong một báo cáo vừa được công bố vào ngày 11/11, các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) tuyên bố rằng, mặc dù lượng khí thải CO2 tăng lên từng ngày, trái đất vẫn có khả năng “nhốt” một lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính trong các đại dương và rừng. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, lượng khí CO2 mà con người tạo ra trong năm 1850 là 2 tỷ tấn. Nhưng tới nay lượng khí CO2 đang tăng tới 35 tỷ tấn/năm. May mắn thay, hành tinh xanh vẫn đã hấp thụ hơn một nửa lượng khí thải CO2 mà con người tạo ra trong 159 năm qua (tính từ năm 1850 tới 2009). Trái đất sẽ vẫn tiếp tục hấp thụ khí CO2 trong tương lai. Ảnh: mit.edu. Wolfgang Knorr, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, ông và cộng sự chỉ phân tích những dữ liệu thực tế - chẳng hạn như những mẫu băng ở Nam Cực - chứ không sử dụng mô hình khí hậu như nhiều nghiên cứu khác. “Một số nghiên cứu trước đây cho rằng trong vòng 10 năm tới lượng CO2 trong khí quyển sẽ tăng nhanh do khả năng hấp thụ CO2 của trái đất giảm dần, nhưng chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về xu hướng đó”, Knorr phát biểu. Quan điểm của nhóm Knorr được củng cố khi Đại học VU (Hà Lan) công bố một nghiên cứu cho thấy lượng CO2 mà con người tạo ra đã bị tính cao hơn nhiều so với thực tế. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các hệ thực vật biển ở Nam Cực đang giúp con người chống lại hiệu ứng nhà kính bằng cách hấp thụ carbon trong khí quyển mỗi khi băng tan. Các nhà khoa học của chương trình khảo sát Nam Cực mang tên British Antarctic Survey (Anh) xác nhận điều này. Họ cho biết, các loài sinh vật phù du đang sinh sôi rất nhanh ở những vùng nước lộ ra do băng tan. Tuy nhiên, tiến sĩ Knorr nhấn mạnh thế giới vẫn phải nỗ lực giảm lượng khí thải carbon bằng cách ký kết một thỏa thuận về cắt giảm khí thải trong hội nghị khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng tới. Ông chỉ ra rằng lượng khí thải trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng dù hơn một nửa đã bị trái đất hấp thụ. Knorr cũng lo ngại các đại dương và đất sẽ trở nên bão hòa CO2 nên không thể hấp thụ loại khí này vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Những thông điệp khẩn cấp về môi trường toàn cầu

Những thông điệp khẩn cấp về môi trường toàn cầu



Cải thiện chất lượng nước, đồng thời nâng cao sự hiểu biết là vấn đề toàn thế giới đang phải đối mặt. Liêp Hợp Quốc khẩn cấp kêu gọi trách nhiệm về bảo vệ môi trường, tránh thảm họa thiên tai.
LHQ: Trách nhiệm tập thể với đại dương
Theo TTXVN, ngày 3/9, trong thông điệp gửi Hội nghị quốc tế về đại dương diễn ra tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của môi trường biển đối với nhân loại và kêu gọi các nước cần thực hiện trách nhiệm tập thể bảo vệ các đại dương của thế giới.

Rác thải đang xâm lấn đại dương. (Ảnh: Nationalgeographic.com)
Với chủ đề “Đại dương, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững,” hội nghị năm 2010 đã nêu bật vai trò không thể thiếu của đại dương và những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho nhân loại. Duy trì, bảo vệ sức sống và các chức năng sinh thái của đại dương là cơ sở cho tương lai thịnh vượng và bền vững của con người.
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh trong khi các đại dương tạo ra các nguồn oxy, cung cấp thực phẩm và các nguồn dinh dưỡng, hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính chống biến đổi khí hậu..., thì các hoạt động của con người lại đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái của các đại dương.
Đa dạng sinh học của các đại dương cũng bị đe doạ do sự khai thác không bền vững các nguồn lợi của đại dương. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo các loại rác thải của xã hội con người từ đất liền, khí quyển, từ nông nghiệp, công nghiệp và dân số đô thị không ngừng tăng lên đang làm ô nhiễm nước các đại dương không chỉ ven bờ, mà cả vùng nước giữa đại dương.
Ngừng phá hoại hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, đầm lầy ven biển… vừa làm giảm tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế-xã hội cho hàng trăm triệu người sống phụ thuộc vào các đại dương.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định mọi hành động của con người đối với các đại dương phải được thực hiện trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển, được coi là “hiến pháp về các đại dương.” Nhân loại cần có nhận thức tập thể và rõ ràng về tầm quan trọng của đại dương đối với sự tồn tại của con người, về tác động của đại dương đến khí hậu, thời tiết và nguồn nước sinh hoạt. Mọi ưu tiên cần được dành cho các chương trình quản lý ven biển và đại dương, khoa học về đại dương và công nghệ về đại dương.
LHQ: Vì một thế giới sạch khí nhà kính
Theo TTXVN, ngày 3/9, Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới hành động khẩn cấp để tiến tới một thế giới ít hoặc không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc nhấn mạnh nhân loại không thể để trầm trọng hơn nữa các thảm hoạ thiên tai chưa từng thấy như lũ lụt ở Pakistan và cháy rừng ở Nga mới đây.
Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, chính phủ các nước đã cam kết cắt giảm hoặc không để tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tại thành phố Cancun của Mexico sắp tới, các nước phải thỏa thuận hạn ngạch khí thải, quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các cam kết này một cách có trách nhiệm để đạt được hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chống biến đổi khí hậu.
Các cuộc thương lượng tại Thiên Tân (Trung Quốc) của 42 bộ trưởng các nước thải nhiều khí thải nhất thế giới vào tháng 10 tới là cơ hội cuối cùng trước Hội nghị cấp cao Cancun để đạt được một lập trường chung về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khói thải từ một nhà máy xi măng tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).
Cho đến nay, các nước công nghiệp phát triển giàu có đã cam kết tài trợ 30 tỷ USD cho các nước đang phát triển để giảm khí thải, thích nghi và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2012. Các nước giàu cũng cam kết tăng số tiền tài trợ các nước đang phát trển lên 100 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc nhấn mạnh các nước phát triển cũng như đang phát triển cần có các đề xuất cụ thể để thực hiện các cam kết này tại Hội nghị Cancun vào tháng 12 tới.
Toàn cầu: Thách thức về chất lượng nước
Theo TTXVN, trong các ngày từ 5-11/9 sẽ diễn ra hội thảo "Tuần lễ nước thế giới" tại Stockholm, Thụy Điển để tập trung thảo luận vấn đề cốt yếu là chất lượng nước - một thách lớn nhất mà toàn thế giới đang phải đối mặt.
Nhiều chuyên gia học nổi tiếng tham gia “Tuần lễ nước thế giới” sẽ tiến hành thảo luận và đưa ra những kiến nghị cụ thể về cải thiện chất lượng nước, qua đó từng bước nâng cao sự hiểu biết của những nhà hoạch định chính sách và công chúng đối với vấn đề chất lượng nước.
Anders Boenteer, Viện trưởng Viện nghiên cứu nước quốc tế Stockholm, Thụy Điển cho biết vấn đề chất lượng nước sẽ là tiêu điểm quan tâm của Tuần lễ nước thế giới, sắp diễn ra tại Stockholm trong năm nay.
Ông còn cho biết: “Trước kia chúng tôi thường tiến hành thảo luận vấn đề nước từ góc độ lượng, ví dụ như làm thể nào để ngày càng nhiều người có nước sử dụng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa có những quan tâm đầy đủ trong vấn đề chất lượng nước. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải tập trung vào những thách thức từ chất lượng nước.
Đây là một thách thức lớn nhất về vấn đề nước mà toàn thế giới đang phải đối mặt.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc Dân Ca

Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc Dân Ca




Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca,
Bài dân ca tha thiết đậm đà,
Từ tha hương nghe bài dân ca,
Câu dân ca ấm lòng người đi xa,
Nghe nôn nao như chiều 30 Tết,
Bếp than hồng mẹ nấu bánh chưng xanh,
Lời dân ca như phù xa con sông,
Thương quê hương thương vườn cau luống rau,
Câu dân ca giao thừa nơi xa xứ,
Có mùa xuân đến từ quê nhà,

Hát nữa đi em bài hát dân ca,
Câu dân ca mang tình xuân bao la,
Câu dân ca cho mùa xuân nở hoa,
Cho xuân về từ khúc hát dân ca,
Ai mang xuân từ thư hồng hoa thắm,
Em mang xuân từ một lời ca dao
Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca,
Bài dân ca tha thiết đậm đà,
Từ tha hương nghe bài dân ca,
Câu dân ca ấm lòng người đi xa,
Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca,
Bài dân ca tha thiết đậm đà,
Từ tha hương nghe bài dân ca,
Câu dân ca ấm lòng người đi xa,
Anh mo sao một ngày xuân năm ấy,
Có anh về cùng hát khúc dân ca,
Lời dân ca như dòng sông quê ta,
Như hương cau hương dừa đang trổ hoa
Như đêm trăng bên đường em tát nước,
Yến gạo con múc cả trăng vàng.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Bức thư gây sốc: "Gửi các anh đàn ông"!

Gửi các anh đàn ông!

Lâu lâu lại đọc được đề nghị nên có ngày tôn vinh đấng mày râu trên trang báo mạng, tôi thấy thú vị quá. Thú vị hơn nữa là lại thấy một số đàn ông so sánh rằng, đàn ông Tây còn có ngày của bố, còn đàn ông Ta thì chẳng có ngày gì để được tôn vinh. Uh, cũng đúng thôi, vì đàn ông Tây họ đàn ông ra đàn ông, còn đàn ông ta thì ông chả ra ông, mà bà chẳng ra bà thì tôn vinh cái gì? Giá như các anh đề nghị chúng tôi tôn vinh cái cỡ “xăng pha nhớt” thì Ok ngay, còn tôn vinh đàn ông thì hơi khó, vì các anh có phải đàn ông đâu mà tôn vinh. Các anh cũng làm sao mà so bì với đàn ông Tây được?

Hồi làm sinh viên, tôi nhớ có lần một cô giáo của tôi có kể, ở bên Đức, đàn ông phải xếp sau cả con chó khi đến những nơi công cộng như lên tàu xe. Có nghĩa là, khi đi đến nơi công cộng ví dụ như lên tàu xe, phụ nữ là người được ưu tiên nhiều nhất, kế đến là người già trẻ em, rồi đến con chó, sau cùng mới đến người đàn ông. Ở bên đó, phụ nữ cũng rất được yêu thương và chiều chuộng, ví dụ, gặp bất cứ một người phụ nữ nào xách đồ đạc nặng trên phố là cánh đàn ông thể hiện ngay sự quan tâm của mình bằng việc xách giúp đồ đạc. Trên xe buýt, đàn ông cũng luôn nhường chỗ ngồi cho phụ nữ một cách tự nguyện. Còn ở nhà, đàn ông Đức không ngại ngần việc rửa chén bát và làm việc nhà, thậm chí cả giặt đồ lót cho vợ.

Còn đàn ông Việt Nam thì sao, thu nhập thì cũng chẳng khá khẩm hơn vợ là bao nhiêu, nhưng lại tự cho mình nhiều “quyền” quá. Nên đi làm về là có quyền đi bia rượu bù khú với bạn bè, về đến nhà là có quyền ngồi vắt chân chữ ngũ xem tivi, đọc báo và đợi vợ bê cơm đến ăn. Lên xe buýt thì tranh nhau chỗ ngồi với trẻ em, người già và phụ nữ có thai. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nam thanh niên to khỏe lực lưỡng nhưng lại bị “mù”. Tại sao tôi nói vậy, bởi vì trên xe buýt bao giờ cũng có ghi là nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, nhưng các anh không hiểu sao vẫn không thực hiện, nên tôi bảo chắc chỉ có bị mù mới không nhìn thấy những dòng chữ như thế. Thậm chí, đến khi anh phụ xe buýt ra nhắc nhở thì còn chửi lại, vậy thử hỏi các anh văn minh ở đâu, mà dám đòi hỏi được tôn vinh và yêu cầu có ngày tôn vinh cho người đàn ông Việt Nam?

Chẳng nói ra chả sao. Nói ra đâm thêm coi thường đàn ông Việt Nam, chưa làm được gì đã muốn được tôn vinh. Mà tôn vinh cái gì, tôi rất thích comment của một độc giả nào đó nói, chẳng lẽ tôn vinh cái sự: Hôm nay 8.3, tôi giặt cho bà cái áo của tôi à? Không nên có ngày tôn vinh cho đàn ông Việt Nam vì các anh không xứng đáng được tôn vinh.

Cũng xin nói thật với các anh, là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tôi rất có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi. Tôi cũng tuyên bố luôn, sau này thà ế chồng chứ nhất định tôi không bao giờ lấy đàn ông Việt Nam làm chồng. Mà chả riêng gì tôi, rất nhiều cô gái Việt Nam thành đạt cũng lấy chồng Tây đó thôi, và xu thế này sẽ còn tiếp tục, tôi tin là như thế./.

Đơn giản hãy gọi người là Mẹ


Đơn giản hãy gọi người là Mẹ

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:

- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?

Thượng Đế đáp:

- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.

Đứa bé lại nài nì:

- Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?

Thượng Đế đáp:

- Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

Đứa bé lại hỏi:

- Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

Thượng Đế trả lời:

- Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?

- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.

- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.

- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.

Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".

cánh chuồn chuồn trên vai em (có video clip)


Có cánh chuồn nào trên vai em không?

Đây là một câu chuyện lưu truyền trên mạng BBS của Đài Loan, sau tác giả giấu tên bán bản quyền cho nhạc sĩ Vũ Tuyền năm 2003. Truyện do nhà văn Trang Hạ dịch. Nếu bạn muốn đăng lại truyện này ở nơi khác xin vui lòng xin phép chị Trang Hạ.






Thành phố nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp, hai người yêu đắm say, mỗi bình minh đều đến bờ biển ngắm mặt trời mọc, và mỗi chiều đi tiễn bóng tà dương ở bãi cát. Dường như những ai đã gặp đôi tình nhân đều nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ.

Một ngày, sau vụ đâm xe, cô gái trọng thương im lìm nằm lại trên chiếc giường bệnh viện, mấy ngày đêm không tỉnh lại.

Buổi sáng, chàng trai ngồi bên giường tuyệt vọng gọi tên người yêu đang vô tri vô giác; đêm xuống, chàng trai tới quỳ trong giáo đường nhỏ của thành phố, ngước lên thượng đế cầu xin, mắt không còn lệ để khóc than.

Một tháng trôi qua, người con gái vẫn im lìm, người con trai đã tan nát trái tim từ lâu, nhưng anh vẫn cố gắng và cầu xin hy vọng. Cũng có một ngày, thượng đế động lòng.

Thượng đế cho chàng trai đang gắng gượng một cơ hội. Ngài hỏi: "Con có bằng lòng dùng sinh mệnh của con để đánh đổi không?". Chàng trai không chần chừ vội đáp: "Con bằng lòng!".

Thượng đế nói: "Ta có thể cho người con yêu tỉnh dậy, nhưng con phải đánh đổi ba năm hoá chuồn chuồn, con bằng lòng không?". Không chần chừ chàng trai vội đáp: "Con bằng lòng!".


o O o


Buổi sáng, cánh chuồn rời Thượng đế bay vội vã tới bệnh viện, như mọi buổi sáng. Và cô gái đã tỉnh dậy!

Chuồn chuồn không phải người, chuồn chuồn không nghe thấy người yêu đang nói gì với vị bác sĩ đứng bên giường.

Khi người con gái rời bệnh viện, cô rất buồn bã. Cô gái đi khắp nơi hỏi về người cô yêu, không ai biết anh ấy đã bỏ đi đâu.

Cô ấy đi tìm rất lâu, khi cánh chuồn kia không bao giờ rời cô, luôn bay lượn bên người yêu, chỉ có điều chuồn chuồn không phải là người, chuồn chuồn không biết nói. Và cánh chuồn là người yêu ở trước mắt người yêu nhưng không được nhận ra.


o O o


Mùa hạ đã trôi qua, mùa thu, gió lạnh thổi những chiếc lá cây lìa cành, cánh chuồn không thể không ra đi. Vì thế cánh rơi cuối cùng của chuồn chuồn là trên vai người con gái.

"Tôi muốn dùng đôi cánh mỏng manh vuốt ve khuôn mặt em, muốn dùng môi khô hôn lên trán em…", nhưng thân xác quá nhẹ mỏng của chuồn chuồn cuối cùng vẫn không bị người con gái nhận ra.

Chớp mắt, mùa xuân đã tới, cánh chuồn cuống cuồng bay trở lại thành phố tìm người yêu. Nhưng dáng dấp thân quen của cô đã tựa vào bên một người con trai mạnh mẽ khôi ngô, cánh chuồn đau đớn rơi xuống, rất nhanh từ lưng chừng trời.


o O o


Ai cũng biết sau tai nạn người con gái bệnh nghiêm trọng thế nào, chàng bác sĩ tốt và đáng yêu ra sao, tình yêu của họ đến tự nhiên như thế nào, và ai cũng biết người con gái đã vui trở lại như những ngày xưa.

Cánh chuồn chuồn đau tới thấu tâm can, những ngày sau, chuồn chuồn vẫn nhìn thấy chàng bác sĩ kia dắt người con gái mình yêu ra bể xem mặt trời lên, chiều xuống đến bờ biển xem tà dương, và cánh chuồn chỉ có thể thỉnh thoảng tới đậu trên vai người yêu, chuồn chuồn không thể làm gì hơn.

Những thủ thỉ đắm say, những tiếng cười hạnh phúc của người con gái làm chuồn chuồn ngạt thở.

Mùa hạ thứ ba, chuồn chuồn đã không còn thường đến thăm người con gái chàng yêu nữa. Vì trên vai cô ấy luôn là tay chàng bác sĩ ôm chặt, trên gương mặt cô là cái hôn tha thiết của anh ta, người con gái không có thời gian để tâm đến một cánh chuồn đau thương, cũng không còn thời gian để ngoái về quá khứ.


o O o


Ba năm của Thượng đế sắp chấm dứt. Trong ngày cuối, người yêu ngày xưa của chuồn chuồn bước đến trong lễ thành hôn với chàng bác sĩ.

Cánh chuồn chuồn lặng lẽ bay vào trong nhà thờ, đậu lên vai người mà anh yêu, chàng biết người con gái anh yêu đang quỳ trước Thượng đế và nói: "Con bằng lòng!". Chàng thấy người bác sĩ lồng chiếc nhẫn vào tay người con gái. Họ hôn nhau say đắm ngọt ngào. Chuồn chuồn để rơi xuống đất một hạt lệ đau đớn.

Thượng đế hỏi: "Con đã hối hận rồi sao?". Chuồn chuồn gạt hạt lệ nói: "Con không!"

Thượng đế hài lòng nói: "Nếu vậy, từ ngày mai con có thể trở thành người được rồi!".

Chuồn chuồn soi vào hạt nước mắt nhỏ, chàng lắc đầu đáp: "Hãy để con cứ làm chuồn chuồn suốt đời..."



o O o